Được nhận vào nhiều trường giáo dục khai phóng ở Mỹ, Phương Uyên quyết định chọn Đại học Dickinson với mức học bổng gần 5 tỷ đồng.
Ba tháng đầu năm 2018, Nguyễn Đỗ Phương Uyên, học sinh lớp 12 Anh2,
trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), liên tục nhận được thư chấp
nhận với mức hỗ trợ tài chính tốt từ 9 đại học của Mỹ như Luther,
Transylvania, Gustavus Adolphus, Hofstra hay Dickinson. Trong đó, mức
học bổng lớn nhất Uyên nhận được là gần 5 tỷ đồng từ Đại học Dickinson -
một trong những trường theo mô hình giáo dục khai phóng (Liberal Arts)
nổi tiếng của Mỹ. Đây cũng là trường em sẽ theo học trong bốn năm tới.

Nguyễn Đỗ Phương Uyên chọn trường giáo dục khai phóng đề phát triển kỹ năng lãnh đạo. Ảnh: NVCC
Ở trường THPT chuyên Trần Phú, Phương Uyên là gương mặt tiêu biểu.
Có năng khiếu về Văn, từng đạt Á khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
chuyên Trần Phú, giải ba quốc gia "Viết thư quốc tế UPU lần thứ 44",
nhưng Uyên quyết định theo học lớp chuyên Anh vì có tình yêu đặc biệt
với ngôn ngữ này.
Năm 2014, khi tham gia gameshow Chinh phục, Uyên đã tìm hiểu rất nhiều về tác phẩm Ông già và biển cả
của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway. "Tác phẩm của Hemingway sáng tác theo
nguyên lý tảng băng trôi, kiệm lời nhưng ý tứ sâu sắc. Nếu chỉ đọc bản
tiếng Việt, em khó cảm nhận hết cái hay của tác phẩm. Vì vậy, em quyết
tâm theo chuyên Anh để có thể đọc bản gốc các tác phẩm văn học nước
ngoài", Uyên nói và cho biết đó cũng là lý do khiến em yêu nước Mỹ hơn.
Hết năm lớp 11, khi giành giải Á quân một cuộc thi hùng biện tiếng
Anh, Phương Uyên nhận học bổng du học hè tìm hiểu về kinh tế vĩ mô tại
Đại học Elmhurst (Illinois, Mỹ). Ở đó, em được trải nghiệm nền giáo dục
khai phóng, tự do đưa ra quan điểm cá nhân, phát triển ý tưởng và sáng
tạo. Một tháng học tập tại Mỹ cùng tình yêu văn học Mỹ, Uyên quyết tâm
học đại học ở đất nước này.
Tháng 9/2017, nữ sinh Hải Phòng bắt đầu làm hồ sơ ứng tuyển các đại học
của Mỹ. Với suy nghĩ "không thể bỏ phí một năm thanh xuân", trong vòng
ba tháng, em đã hoàn thành các bài thi chuẩn hóa, viết luận, xin thư
giới thiệu để kịp nộp hồ sơ vào đợt tuyển sinh sớm của các trường.
Khả năng lãnh đạo - chìa khóa giúp Uyên giành học bổng Mỹ
Với ngoại hình nhỏ nhắn, ít ai nghĩ Phương Uyên từng là trưởng ban tổ
chức nhiều chương trình và chủ nhiệm câu lạc bộ. Ở trường chuyên Trần
Phú, cô gái sinh năm 2000 phụ trách đội MC, sáng lập câu lạc bộ Trí tuệ
Thiên Thanh - một cộng đồng lan tỏa kiến thức, kết nối những bạn trẻ yêu
thích Olympia.
Uyên cũng là người sáng lập trang "Sách làm nên cuộc đời - Books make
your life" và đồng trưởng dự án thiện nguyện "Sách tặng bạn 2017", thu
gom được hơn 10.000 cuốn sách gửi tặng học sinh nghèo. Em còn là admin
của một cộng đồng luyện nghe tiếng Anh miễn phí.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh2, nhận xét Uyên có khả năng lãnh đạo tốt. "Em rất
bản lĩnh, chăm chỉ và năng động. Là con gái nhưng em có thể gánh vác
nhiều việc một lúc, tham gia rất nhiều hoạt động trong và ngoài trường.
Khi đã nhận việc, em luôn hoàn thành xuất sắc", cô Thủy nói.
Giỏi lãnh đạo, Phương Uyên đã đưa thế mạnh đó vào bài luận chính trong
hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ. "Em kể lại cách vượt qua khó khăn khi phát
triển các câu lạc bộ hay nuôi dưỡng một dự án. Những khó khăn đó giúp em
khẳng định tài năng và bản lĩnh", Uyên chia sẻ.

Phương Uyên (ngoài cùng bên trái) từng được học bổng du học hè một tháng tại Mỹ. Ảnh: NVCC
Ở bài luận phụ gửi Đại học Dickinson, Uyên thể hiện sự quan tâm đến chương trình thiện nguyện Montgomery Service Leaders program -
một trong những lý do khiến em quyết định chọn Dickinson là điểm đến
cho bốn năm sắp tới. Uyên cho biết chương trình này yêu cầu sinh viên
phải tham gia ít nhất hai năm. Ở đó, sinh viên không chỉ được đóng góp
cho cộng đồng mà còn được rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, tự tạo
dựng những dự án.
Nữ sinh Hải Phòng đã so sánh chương trình với dự án dạy học hè ở làng
chài Hải Phòng mà em từng tham gia. Dạy học cho các em nhỏ chỉ đơn thuần
truyền đạt kiến thức, rèn kỹ năng chăm sóc trẻ và giao tiếp mà không
được cải thiện khả năng lãnh đạo tổng thể. Như vậy, một bạn có dạy giỏi
thế nào cũng khó tạo dựng một dự án riêng. Điều này là hạn chế so với
chương trình thiện nguyện của Dickinson. Nó khiến Uyên khao khát được
học tập tại trường.
Chia sẻ về chiến lược chọn trường, Uyên cho rằng "cần chọn chiếc áo phù
hợp nhất chứ không quan trọng phải chọn chiếc áo tốt nhất". Là người
thích Văn, muốn phát triển khả năng lãnh đạo và các kỹ năng mềm, Uyên
quan tâm nhiều hơn đến trường giáo dục khai phóng thay vì trường trong
top 10 thế giới như MIT hay Stanford - nơi đặc biệt chú trọng thành tích
học thuật.
Sang Mỹ vào tháng 8, Uyên sẽ theo học ngành Quản trị kinh doanh quốc tế
và dự định học lên thạc sĩ ở một trường khối Ivy với mong muốn trở thành
nhà ngoại giao hay doanh nhân giỏi. Uyên chia sẻ hình mẫu lý tưởng của
em là bà Michelle Obama. "Đó là người phụ nữ biết cân bằng giữa gia đình
và bản thân, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là chỗ dựa tinh thần vững
chắc cho gia đình, giúp chồng con thành công”, Uyên nói.
Vnexpress
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét